ĐHQGHN và ĐHQG Tp.HCM: phát huy tiềm năng, thế mạnh của hai đơn vị cùng giải quyết các vấn đề thực tiễn, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế

ĐHQGHN và ĐHQG Tp.HCM: phát huy tiềm năng, thế mạnh của hai đơn vị cùng giải quyết các vấn đề thực tiễn, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế

 Ngày 20/12/2020, tại Quảng Ninh, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG Tp.HCM) đã tổ chức Hội nghị Giao ban thường niên. Đây là Hội nghị được tổ chức luân phiên giữa hai ĐHQG nhằm tổng kết các hoạt động hợp tác trong năm 2020 và thảo luận, thống nhất các nội dung hợp tác trọng tâm trong năm 2021. Hội nghị năm nay do ĐHQG Tp.HCM đăng cai tổ chức.



Dự hội nghị có PGS.TS Phan Thanh Bình, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Uỷ viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên, thiếu niên nhi đồng của Quốc hội; PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ KH&CN; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh đồng chí Nguyễn Xuân Ký cùng Ban Giám đốc, lãnh đạo các Ban chức năng và các trường thành viên của hai ĐHQG.

Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên toàn cầu đã tác động đến mọi mặt đời sống xã hội của các quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh quốc tế và trong nước đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, 2 ĐHQG đã nỗ lực vượt qua nhiều thử thách, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế quốc tế, uy tín khoa học trong của mình. Theo công bố bảng xếp hạng đại học thế giới cho năm 2021 của Tổ chức xếp hạng QS, hai ĐHQG tiếp tục có mặt trong bảng xếp hạng này, hai ĐHQG đều thuộc nhóm 801 - 1.000. Đây là lần thứ 3 liên tiếp ĐHQGHN nằm trong nhóm các trường đại học tốt nhất toàn cầu với điểm xếp hạng ngày càng tăng. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2019 đánh dấu sự thay đổi mang tầm chiến lược, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tiến bộ cho hệ thống giáo dục đại học cả nước nói chung và 2 ĐHQG nói riêng hội nhập, phát triển.

Thực hiện chương trình hợp tác, 2 ĐHQG đã tăng cường đẩy mạnh hoạt động trao đổi, hợp tác trên các lĩnh vực tổ chức, đào tạo, khoa học công nghệ, truyền thông, hợp tác phát triển và đạt một số kết quả nội bật. Cụ thể, 2 đơn vị đã trao đổi giải pháp thúc đẩy thực hiện công tác đào tạo đại học và sau đại học; xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học và sau đại học; hỗ trợ, chia sẻ thông tin trong công tác trao đổi giảng viên, sinh viên, học gải quốc tế, chương trình học bổng và các dự án tầm quốc gia và khu vực; xây dựng khung chương trình hợp tác về “Chương trình nghiên cứu về nền kinh tế số và công nghiệp số”; xây dựng các đề án về phát triển công nghiệp vật liệu; đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam; thống nhất huy động các nhà khoa học tham gia thực hiện các nhiệm vụ khoa học lớn.

Trong đào tạo đại học, hai ĐHQG đã tích cực trao đổi giải pháp thúc đẩy thực hiện công nhận và chuyển đổi tín chỉ giữa hai đơn vị. ĐHQGHN đã dự thảo Quy định công nhận và chuyển đổi tín chỉ tương đương của các học phần/môn học thuộc các chương trình đào tạo hợp tác. Hai ĐHQG nỗ lực thống nhất nội dung quy định để sớm triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất. Trên cơ sở được sự đồng ý chủ trương của lãnh đạo hai ĐHQG về việc xây dựng Đề án Đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học và sau đại học cho các tỉnh thuộc khu vực Nam bộ, hai ĐHQG đã thành lập tổ công tác xây dựng đề án và thống nhất nội dung cơ bản thực hiện đề án, trong đó, ĐHQGHN là đầu mối đào tạo và cấp bằng, ĐHQG Tp.HCM hỗ trợ tuyển sinh, tổ chức đào tạo.

Bên cạnh đó, hai ĐHQG trao đổi, thống nhất sẽ cùng chia sẻ cơ sở dữ liệu thông tin - thư viện thông qua việc triển khai một số nội dung: (1) Xây dựng và ký kết Thỏa thuận hợp tác chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin đã được hai ĐHQG triển khai; (2) Tích hợp nguồn tài liệu số nội sinh thông qua cổng tìm kiếm tập trung; (3) Trao đổi tài khoản truy cập cơ sở dữ liệu số nội sinh của hai đơn vị; (4) Trao đổi dịch vụ cung cấp thông tin theo yêu cầu của hai đơn vị. Trong công tác đào tạo sau đại học, hai ĐHQG tích cực trao đổi, chia sẻ ý kiến đóng góp cho dự thảo Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì; chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chiến lược phát triển đào tạo sau đại học; hợp tác, chia sẻ thông tin xây dựng các đề án phát triển các hình thức đào tạo mới: đào tạo tiến sĩ định hướng ứng dụng ngành Quản lý Giáo dục (EdD), ngành Quản trị Kinh doanh (DBA), liên thông đào tạo từ đại học - thạc sĩ (BS-MS).

Hai ĐHQG đã chủ động phối hợp, tăng cường hỗ trợ, chia sẻ thông tin trong công tác trao đổi sinh viên, giảng viên, học giả quốc tế, triển khai các chương trình học bổng, chương trình, dự án cũng như những sự kiện tầm khu vực và quốc gia mà hai bên cùng quan tâm. ĐHQG Tp.HCM đã phối hợp và chia sẻ thông tin với ĐHQGHN trong việc xây dựng kế hoạch tổ chức Hội nghị IRO năm 2020 nhằm tạo cơ hội tương tác, chia sẻ ý tưởng, tăng cường gắn kết và hợp tác học thuật giữa các thành viên rộng khắp khu vực Đông Á.  Hai ĐHQG đã phối hợp chuẩn bị nội dung, đặc biệt là gian hàng triển lãm chung để quảng bá hình ảnh của hai ĐHQG nói riêng và nền giáo dục đại học Việt Nam cho kế hoạch chuyến công tác tại Hội nghị Hiệp hội Giáo dục Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương (The Asia - Pacific Association for International Education – APAIE) năm 2020 theo lời mời của Đại sứ Canada tại Việt Nam.

Về hoạt động khoa học công nghệ, hai ĐHQG phối hợp Ban Kinh tế Trung ương (KTTW) triển khai các nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng khung chương trình hợp tác về “Chương trình nghiên cứu về nền kinh tế và công nghiệp số”; Xây dựng 02 đề án do Ban KTTW chủ trì trình Bộ Chính trị trong năm 2020; Hai ĐHQG đã phối hợp Ban KTTW đồng tổ chức Hội nghị khoa học “Định hướng phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp vật liệu Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Bên cạnh đó, hai ĐHQG tích cực phục vụ cộng đồng thông qua việc phối hợp thành lập và phát huy hiệu quả các nhóm tư vấn hỗ trợ các địa phương trong việc tham gia góp ý văn kiện Đại hội Đảng, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh: Bạc Liêu, Bến Tre, An Giang, Tây Ninh, Quảng Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Lào Cai, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Bình, Quảng Ninh.…

Các công tác khác như truyền thông, công tác sinh viên, thanh tra pháp chế, kiểm định chất lượng giáo dục… tiếp tục được hai ĐHQG quan tâm, phối hợp. Nhìn chung, trong năm học 2019 - 2020, hai ĐHQG đã có sự phối hợp chặt chẽ, phát huy tiềm năng, thế mạnh của hai đơn vị cùng giải quyết các vấn đề thực tiễn, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

http://vnu.edu.vn/ttsk/?C151/N27425/dHQGHN-va-dHQG-Tp.HCM:-phat-huy-tiem-nang,-the-manh-cua-hai-don-vi-cung-giai-quyet-cac-van-de-thuc-tien,-phuc-vu-su-nghiep-phat-trien-kinh-te---xa-hoi-va-hoi-nhap-quoc-te.htm
Xem thêm:
Đánh giá của bạn về bài viết này?

Contact Me on Zalo